Tiếp Đoàn công tác của Tổ chức Room to Read có Bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GDĐT, lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác thư viện trường học của Sở GDĐT, chuyên viên Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố là cán bộ hỗ trợ chương trình thư viện thân thiện.
Đại biểu tham dự họp tổng kết Chương trình thư viện thân thiện
Sau 4 ngày (8-11/4/2024) đi thăm và làm việc tại 7/37 trường tiểu học tham gia Chương trình thư viện thân thiện năm 2022, năm 2023 thuộc thành phố Long Xuyên, thị xã Tân Châu, thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn cùng với báo cáo của 11 cán bộ hỗ trợ về tình hình thực hiện chương trình thư viện thân thiện tại các trường thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố; Ông Dương Quốc Tuấn – Quản lý tác nghiệp Chương trình thư viện thân thiện phía Nam, đại diện Đoàn công tác của Tổ chức Room to Read đã đánh giá rất cao việc triển khai mô hình thư viện thân thiện tại An Giang từ khâu thiết lập mô hình đến việc tổ chức vận hành và thực hiện các tiết đọc thư viện. Dù là tỉnh chỉ được hỗ trợ kỹ thuật không được hỗ trợ các trang thiết bị và sách như các tỉnh được hỗ trợ toàn phần nhưng với sự chỉ đạo của Sở GDĐT, Phòng GDĐT và sự nỗ lực của lãnh đạo nhà trường, tập thể giáo viên, nhân viên thư viện cùng sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ học sinh, các thư viện đã được thiết lập rất khang trang, sáng đẹp với môi trường thật thân thiện. Mỗi thư viện đều có đầy đủ môi trường văn bản, các góc tra cứu, góc viết vẽ, góc trò chơi, nhiều loại sách hay được trang bị với nhiều thể loại đa dạng, phong phú phù hợp với trình độ đọc của học sinh. Sách đều được phân loại theo mã màu và đặt trên 6 kệ cùng màu cho học sinh dễ dàng lựa chọn. Các đơn vị trường cũng đã triển khai tiết đọc thư viện từ 2-4 tiết/lớp/tháng. Đặc biệt công tác truyền thông về thư viện thân thiện của An Giang đã thực hiện thường xuyên thông qua các buổi lễ khánh thành và các hoạt động chuyên đề thư viện thu hút sự tham gia của lãnh đạo địa phương các ngành, các cấp, sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ học sinh và báo, đài đến đưa tin.
Đại diện Đoàn công tác Tổ chức Room to Read Việt Nam phát biểu
Đối với kiến nghị hỗ trợ thêm về sách, nhất là các sách khổ lớn để phục vụ tiết đọc thư viện, đại diện Tổ chức Room to Read hứa sẽ báo cáo lại và đề xuất với lãnh đạo trang bị sách cho đơn vị hỗ trợ kỹ thuật bằng với số lượng sách ở các đơn vị được hỗ trợ chính thức.
Bà Trần Thị Ngọc Diễm-Giám đốc Sở GDĐT An Giang phát biểu tổng kết
Sau khi lắng nghe báo cáo, các ý kiến phát biểu của các cán bộ hỗ trợ đại diện cho 37 đơn vị tham gia Chương trình thư viện thân thiện trên địa bàn tỉnh An Giang và phần phát biểu của các đại biểu Tổ chức Room to Read Việt Nam; Phát biểu tổng kết buổi làm việc Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GDĐT đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Tổ chức Room to Read Việt Nam và đặc biệt là các anh chị trong Đoàn công tác đã đến hỗ trợ kỹ thuật cho các trường, giúp cho các trường xây dựng thư viện thân thiện, tạo sự hứng thú cho học sinh, giúp học sinh hình thành thói quen đọc, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Đồng thời cũng đề xuất Room to Read tiếp tục hỗ trợ cho các trường ở An Giang về kỹ thuật thiết lập, về các hình thức tổ chức tiết đọc thư viện và sách cho thư viện. Đối với các cán bộ hỗ trợ từ các Phòng GDĐT thì yêu cầu tham mưu lãnh đạo Phòng GDĐT chỉ đạo các trường thực hiện các nội dung sau đây:
Thứ nhất: Tiếp tục duy trì và phát huy mô hình thư viện thân thiện đã được thiết lập, tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn. Có kế hoạch cải tạo sửa chữa hàng năm để đảm bảo thư viện luôn kiên cố, khang trang, sạch đẹp, tăng cường đầu tư sách và tổ chức các hoạt động thu hút học sinh đến với sách.
Thứ hai: Tiếp tục duy trì tổ chức tiết đọc thư viện từ 2-4 tiết/tháng. Thường xuyên tổ chức các chuyên đề về tiết đọc thư viện tại đơn vị trường để rút kinh nghiệm nhằm hỗ trợ tốt cho hoạt động dạy học môn tiếng Việt và rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.
Thứ ba: Tổ chức các hoạt động thư viện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung để tạo hứng thú đọc sách cho học sinh. Khen thưởng khích lệ học sinh đọc nhiều sách.
Thứ tư: Huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phát triển thư viện, đặc biệt là chú trọng các hoạt động tương tác với sách giữa phụ huynh và học sinh.
Thứ năm: Cán bộ hỗ trợ cần thường xuyên thăm trường hỗ trợ trong thiết lập, tổ chức tiết đọc, dự giờ tiết đọc thư viện; tham mưu để lãnh đạo ghé thăm các trường có tham gia chương trình thư viện thân thiện làm động lực cho trường thực hiện tốt hơn. Tham mưu tổ chức hội thảo, hội thi về chương trình thư viện thân thiện tại địa phương.
Kết thúc buổi họp, Bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GDĐT An Giang đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ cán bộ hỗ trợ của Sở, của Phòng GDĐT đã tham mưu và lựa chọn những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực nhất cho học sinh, trong đó mô hình thư viện thân thiện đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh, đề nghị các Phòng GDĐT tiếp tục phát huy và nhân rộng. Kế hoạch trong năm 2024 sẽ tiếp tục nhân rộng cho 24 trường tiểu học tham gia chương trình này./.