Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện công tác trẻ em trong các cơ sở giáo dục năm 2022

--------oo00oo--------

Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra các chỉ tiêu cần thực hiện trong năm 2022 cụ thể như sau:

1. Duy trì 100% cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh đảm bảo an toàn vệ sinh.

2. Phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 80 % .

3. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 97%.

4. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 97%; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,3%.

5. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 88%; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 1,4%.

6. Phấn đấu 70% các trường học có kết nối dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em.

7. Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật đạt 45%; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 70%.

Để thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện một số giải pháp:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em; đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.

- Quan tâm công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác truyền thông công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và phụ huynh, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục, bạo hành trẻ em, đặc biệt là việc lồng ghép nội dung truyền thông vào hoạt động ngoại khóa của các cấp học; quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều khả năng bị xâm hại.

- Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho phụ huynh và học sinh trong việc phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em; phòng tránh lao động trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; tích cực truyền thông, quảng bá về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111 và đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh An Giang với số điện thoại 18008077 để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Phối hợp trong việc xử lý thông tin, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ học sinh; đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục niêm yết số điện thoại đường dây nóng theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 774/SGDĐT-CTTT ngày 31/3/2021.

- Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt, chú trọng công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông... Giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh về tự bảo vệ, phòng, chống bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và thực hiện quyền được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh trong các cơ sở giáo dục, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tại cộng đồng, tổ chức truyền thông tác động nhận thức để thay đổi hành vi bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị tai nạn thương tích. Phối hợp với các ngành liên quan và địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học an toàn”, “Nhà trẻ, mẫu giáo an toàn”; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em,...

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dạy bơi cho học sinh tại trường học theo các hướng dẫn trước đây; vận động, tạo điều kiện cho học sinh tham gia học bơi tập trung trong dịp hè. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em; đảm bảo an toàn giao thông, các bến đò ngang, bến tàu, phà để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy, việc đảm bảo và tuân thủ các điều kiện an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.

- Phối hợp liên ngành trong thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho học sinh tại các công trình xây dựng, khu nhà chung cư cao tầng; phối hợp rà soát các công trình chứa nước, sông, ao, hồ, các khu vực nước sâu nguy hiểm, các công trình thủy lợi thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để tham mưu các cấp lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo và triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa đuối nước cho học sinh.       

- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 về việc ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh An Giang; Hướng dẫn số 2768/HD-SGDĐT ngày 27/9/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, các giải pháp phòng ngừa, cung cấp kiến thức, kỹ năng thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại, bạo lực, bạo hành trẻ em cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, bạo hành đặc biệt là xâm hại tình dục và tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông.

 - Kiện toàn hệ thống thư viện trường học, hoạt động phục vụ học sinh trong các thư viện trường; thường xuyên tổ chức trưng bày, triển lãm sách báo, hội thi vẽ tranh, giới thiệu sách, chiếu phim, các trò chơi dân gian, thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo,… nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước.

- Tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, thiên nhiên, các hoạt động rèn luyện thể chất, ứng xử, giao tiếp, kỹ năng tự chăm sóc bản thân; các hoạt động hội thi bóng đá, bơi lội, hội họa, tìm hiểu kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích,… tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao góp phần phát triển thể chất, tinh thần, phát triển toàn diện cho học sinh.

- Tổ chức diễn đàn trẻ em, lấy ý kiến, nguyện vọng của trẻ em khi xây dựng các chương trình, chính sách, quyết định, kế hoạch có liên quan đến trẻ em theo Thông tư số 36/2018/TT-BLDTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

- Tiếp tục phối hợp với ngành chức năng thực hiện “Kế hoạch triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ  tại 09 xã của 4 huyện gồm: Châu Phú, Chợ Mới, An Phú và thành phố Châu Đốc; Phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam thực hiện Dự án “Trẻ em và thanh thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội” tại các trường trung cấp nghề và các địa phương (Thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc)./.


Tác giả: Bảo Trân - Sở GDĐT AG
Thống kê
Hôm nay :612
Hôm qua :3.373
Năm 2024 :1.920.508